Khám phá động vật quý hiếm Việt Nam trên tranh họa sỹ Mỹ
(Dân trí) - Trong một chuyến du lịch đến Việt Nam, hệ động vật đa dạng ở Việt Nam đã để lại ấn tượng đặc biệt đối với họa sĩ Mỹ- Brendan Wenzel. Khi về nước, anh đã thực hiện bộ sưu tập những bức tranh khắc họa các loài động vật quý hiếm tại Việt Nam.
Bộ sưu tập “Wildlife of Vietnam”
(Thế giới động vật hoang dã ở Việt Nam) bao gồm hơn 50 bức tranh ngộ nghĩnh, ấn
tượng, ghi lại hình dáng những loài động vật mà Brendan Wenzel từng được thấy
khi tới thăm Việt Nam qua góc nhìn nghệ thuật.
Phong cách vẽ của Brendan Wenzel
bị ảnh hưởng bởi phong cách hoạt hình, khá tự do nhưng vẫn đầy tính nghệ thuật,
giản dị, ngộ nghĩnh và dễ cảm nhận.
Mời độc giả chiêm ngưỡng một số bức minh họa của Brendan Wenzel:
Mèo bắt cá phân bố chủ yếu ở khu
vực rừng ngập nước miền Nam Việt Nam. Nó có họ hàng với loài báo, sống dọc các
sông, suối và đầm lầy, bơi giỏi, bắt cá rất giỏi. Số lượng mèo bắt cá hiện đang
giảm sút nghiêm trọng và đã được đưa vào danh sách những loài động vật bị đe dọa.
Ó tai, một loài chim săn mồi thuộc
họ chim ưng.
Giẻ cùi lam thuộc họ quạ, có đuôi
dài nhất trong các loài chim thuộc họ này. Môi trường sống tự nhiên của giẻ cùi
là ở những khu vực rừng thưa hoặc cây bụi.
Một chú chim cắt.
Sao la là một trong những loài
thú hiếm nhất trên thế giới, sinh sống trong vùng núi rừng Trường Sơn, được các
nhà khoa học phát hiện năm 1992. Sao la được xếp hạng ở mức Nguy cấp (có nguy
cơ tuyệt chủng rất cao) trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thế giới.
Loài voi từng có số lượng khá lớn
tại Việt Nam, có mối quan hệ thân thiết đối với con người. Tuy nhiên, hiện tại,
số lượng voi hoang dã ở Việt Nam đã sụt giảm mạnh do môi trường sống tự nhiên của
chúng đã bị thu hẹp rất nhiều.
Cầy mực là loài thú ăn đêm, ngủ
trên cây. Chúng ăn trái cây, ngoài ra còn ăn trứng chim và các loại động vật nhỏ
như các loài gặm nhấm. Nạn phá rừng đã làm giảm đáng kể số lượng cầy mực.
Rùa hộp trán vàng sống ở những
nơi ẩm ướt như bụi rậm trong rừng. Nó ăn cả động vật (giun đất, cá) và thực vật
(các loại trái cây, rau).
Chồn bay trên thực tế không bay
được, nó chỉ biết chuyền cành, là loài động vật sinh sống trên cây, hoạt động về
đêm, ăn các loại thức ăn mềm như lá non, chồi, hoa quả. Con non sinh ra được
con mẹ mang theo trên bụng trong một màng da lớn nên chồn bay còn được coi là
loài thú có túi hiếm có ở Việt Nam.
Voọc đầu vàng hay còn gọi là voọc
Cát Bà là động vật thuộc bộ linh trưởng, phân bố chủ yếu tại đảo Cát Bà, Hải
Phòng với số lượng chỉ còn từ 50-60 cá thể.
Chim hồng hoàng hay còn được gọi
là phượng hoàng đất có màu sắc rất ấn tượng. Hồng hoàng sống khá thọ, có thể sống
tới 50 năm. Đặc trưng nổi bật của hồng hoàng là phần mũ mỏ màu vàng tươi và đen
nằm trên đỉnh chiếc mỏ lớn.
Rùa da hay rùa luýt là loài rùa
biển lớn nhất. Chúng rất dễ phân biệt với các loài rùa biển khác vì không có
mai. Thay vào đó, lưng của chúng được bao phủ bởi lớp da trơn. Chúng còn là
loài bò sát di chuyển nhanh nhất thế giới, từng được ghi nhận bởi sách Kỷ lục
Guiness với tốc độ di chuyển 35,28 km/giờ trong môi trường nước.
Giống như các loại trăn khác,
trăn gấm không có nọc độc, vì vậy chúng giết con mồi bằng cách quấn quanh và siết
chặt. Là loài động vật bơi lội giỏi, trăn gấm có thể di cư đến sống ở những hòn
đảo nhỏ. Tên gọi trăn gấm hay trăn mắt lưới là do đặc điểm họa tiết trên da của
chúng.
Một chú gà lôi hồng tía.
Hổ Đông Dương.
Phần lớn các loài chim sâu rất
nhanh nhẹn, thích nghi tốt trong môi trường sống và không bị đe dọa bởi con người.
Tuy vậy, do bị mất môi trường sống nên số lượng loài này đang dần suy giảm.
Cò quăm cánh xanh hay còn được gọi
là cò quăm vai trắng sống gần các ao, hồ, đầm lầy và các dòng sông nước chảy chậm
tại các khu rừng đất thấp trống trải.
Hãy cùng chung tay bảo vệ các
loài động vật hoang dã tại Việt Nam, chống nạn buôn bán động vật hoang dã.